Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: Bác bỏ báo cáo sai lệch về tình hình nhân quyền tại Việt Nam

H.Y
15/04/2024 - 19:01
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao: Bác bỏ báo cáo sai lệch về tình hình nhân quyền tại Việt Nam

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chủ trì họp báo công bố Báo cáo quốc gia theo cơ chế rà soát định kỳ phổ quát chu kỳ IV. Ảnh: Nguyễn Hồng

Chiều 15/4, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt đã chủ trì họp báo quốc tế công bố Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc.

Theo Thứ trưởng, với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam coi trọng Cơ chế UPR và luôn nghiêm túc xây dựng các Báo cáo quốc gia cũng như triển khai các khuyến nghị Việt Nam chấp thuận tại tất cả các chu kỳ.

Vừa qua, Việt Nam đã chính thức nộp Báo cáo quốc gia theo Cơ chế UPR chu kỳ IV lên Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp quốc. Dự kiến Việt Nam sẽ tham gia Phiên Đối thoại về Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV tại Hội đồng Nhân quyền vào ngày 7/5 tới đây.

Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định, quá trình xây dựng Báo cáo được thực hiện một cách toàn diện, minh bạch với sự tham gia đóng góp ý kiến của các cơ quan Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các đối tác phát triển và người dân. Các ý kiến đóng góp đều được nghiên cứu, tiếp thu phù hợp.

Bình luận về các báo cáo của các cơ quan Liên hợp quốc và các bên liên quan về Việt Nam theo cơ chế UPR chu kỳ IV, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt nhấn mạnh, một trong những nguyên tắc mang tính nền tản của quan hệ quốc tế hiện đại và được ghi nhận trong Hiến chương Liên hợp quốc là nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia. Một trong những nguyên tắc cũng mang tính nền tảng giữa Việt Nam và các nước trên thế giới là tôn trọng thể chế chính trị của nhau. "Chính vì vậy, tôi kiên quyết bác bỏ những ý kiến, đề xuất, kiến nghị vi phạm nguyên tắc này"- Thứ trưởng nêu rõ.

Bày tỏ không đồng tình với nhiều ý kiến và nội dung trong các báo cáo đó, Thứ trưởng Việt cho biết có nhiều nội dung được xây dựng dựa trên thông tin chưa được kiểm chứng, đưa ra nhận định thiếu khách quan về tình hình Việt Nam. "Dù chúng tôi tổ chức rất nhiều hội thảo tham vấn nhưng các tổ chức đó không tham gia, thậm chí không có mặt ở Việt Nam, nhưng họ đưa ra những thông tin sai lệch về tình hình Việt Nam"- Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt chỉ rõ.

Trước đó, tại họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 11/4, Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Đoàn Khắc Việt đã bày tỏ sự thất vọng trước báo cáo riêng của các cơ quan Liên Hợp Quốc tại Việt Nam theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát UPR chu kỳ IV.

Ông Việt nhấn mạnh báo cáo có nhiều nội dung sai sự thật, không được kiểm chứng cùng nhiều đánh giá không khách quan, không cân bằng, không phản ánh chính xác và đầy đủ tình hình, nỗ lực, thành tựu của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.

Các nguyên tắc cơ bản của cơ chế UPR là đối thoại, hợp tác, bình đẳng, khách quan và minh bạch. "Chúng tôi rất minh bạch, công khai, bảo đảm tính bao trùm, chúng tôi có tiến trình tham vấn rộng rãi với tất cả các bên liên quan để xây dựng báo cáo quốc gia. Ngược lại, tất cả các báo khác được nộp lên LHQ đều không được tiến hành một cách công khai minh bạch như vậy. Chúng tôi hoàn toàn không được tham vấn gì khi họ tiến hành những báo cáo đó"- Thứ trưởng Bộ Ngoại giao khẳng định.

Thứ trưởng nhấn mạnh, chính các cán bộ đại sứ quán chứng kiến sự đổi thay và tiến bộ của Việt Nam từng ngày từng giờ, sẽ mang đến những thông tin đầy đủ khách quan nhất cho chính phủ của họ tại phiên đối thoại tại Hội đồng Nhân quyền vào tháng 5 tới.

Việt Nam đạt nhiều thành tựu trong đảm bảo quyền con người

Thông tin về Báo cáo quốc gia UPR chu kỳ IV của Việt Nam, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt cho hay, tính đến tháng 1/2024, trong số 241 khuyến nghị mà Việt Nam chấp thuận tại chu kỳ III, Việt Nam đã hoàn thành thực hiện có kết quả 209 khuyến nghị (chiếm 86,7%), thực hiện 1 phần 30 khuyến nghị (12,4%), và 2 khuyến nghị còn lại đang được xem xét thực hiện vào thời điểm phù hợp.

Từ năm 2019 đến hết tháng 11/2023, Việt Nam đã tiếp tục các nỗ lực xây dựng Nhà nước pháp quyền với 44 luật được thông qua, trong đó có nhiều văn bản luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền công dân. Việt Nam cũng tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong thúc đẩy quyền con người trên thế giới với những sáng kiến, hành động thiết thực.

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia tham gia 7/9 điều ước quốc tế cơ bản về quyền con người, 25 Công ước quốc tế về quyền lao động của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO). Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã tích cực đóng góp vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong thúc đẩy quyền con người trên thế giới với những sáng kiến, hành động thiết thực, cụ thể, đặc biệt là trên cương vị thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.

Nhiều chính sách mới về bảo đảm quyền con người được ban hành với mục tiêu bảo đảm cho mọi người dân Việt Nam được thụ hưởng đầy đủ quyền con người, thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững, bảo đảm quyền phát triển, quyền của các nhóm dễ bị tổn thương, quyền của người lao động. "Việt Nam đạt được những thành tựu tích cực trong bảo đảm các quyền con người trên thực tế" - ông Đỗ Hùng Việt khẳng định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm