Lao động - Việc làm

Gian nan giữ nghề đan võng gai của đồng bào dân tộc Thổ ở Nghệ An

Nguyễn Tuấn Dũng 28/03/2024 - 09:32 PM
Đan võng gai được biết đến là nghề truyền thống lâu đời của đồng bào Thổ ở Nghệ An. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, các nghề thủ công truyền thống cũng đối diện với nhiều thách thức. Để phát triển được thì người dân phải tiếp cận thị trường một cách hiệu quả. Nhưng thực tế, không ít cộng đồng gặp nhiều khó khăn trong việc giữ nghề truyền thống của mình.

Trước kia, người Thổ trồng cây gai trên nương, giờ họ chủ yếu trồng ở vườn. Sau khi thu hoạch cây gai, họ lấy thân xe thành sợi làm nguyên liệu chính để đan võng. Võng gai của người Thổ bền và đẹp nhờ vào sự khéo léo của người phụ nữ với những kỹ năng được truyền qua các thế hệ trong gia đình. Người Thổ đan võng gai trong gia đình hoặc tập hợp thành nhóm lại để cùng sản xuất.

Gian nan giữ nghề đan võng gai của đồng bào dân tộc Thổ ở Nghệ An- Ảnh 1.

Tại xóm Cốc Mắm, xã Thọ Hợp, huyện Quỳ Hợp, Nghệ An, tập trung nhiều người biết đan võng nhất thì đa số cũng là người già, độ tuổi từ 50 đến 70 chiếm tỷ lệ cao nhất. Bà Trương Thị Thống, xóm Cốc Mắm, đang đan võng

Gian nan giữ nghề đan võng gai của đồng bào dân tộc Thổ ở Nghệ An- Ảnh 2.

Để gìn giữ và phát triển nghề đan võng gai truyền thống, người dân tộc Thổ ở các xóm đã tập hợp nhau lại thành lập các câu lạc bộ hoặc các tổ hợp tác. Mỗi chiếc võng thường tập trung ít thì 2 người, nhiều thì 3-4 người ngồi xung quanh để đan. Họ vừa đan võng vừa trò chuyện với nhau.

Nghề thủ công truyền thống là một yếu tố văn hóa cơ bản và quan trọng của nhiều cộng đồng. Đó cũng là một nguồn lực quan trọng trong quá trình phát triển. Các cộng đồng dân tộc ở miền Tây Nghệ An có nhiều nghề thủ công độc đáo, là nguồn nội lực quan trọng để phát triển nếu có quyết sách phù hợp. Nhưng để bảo tồn và phát huy được nghề thủ công truyền thống không phải là vấn đề đơn giản. Kinh tế thị trường phát triển mạnh mẽ cũng tạo ra nhiều thách thức cho các nghề thủ công truyền thống khi mà hàng hóa công nghiệp ngày càng nhiều, mẫu mã đa dạng, chất lượng khá cao mà giá thành lại rẻ. Những hàng hóa này tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt với các sản phẩm thủ công. 

Mặt khác, kinh tế thị trường cũng đưa lại những cơ hội cho các nghề thủ công truyền thống nếu người dân có thể tiếp cận thị trường một cách phù hợp. Nhưng để làm được điều đó, từ kinh nghiệm của nhiều cộng đồng đi trước và gặt hái được một số thành công nhất định cho thấy phải có sự nỗ lực từ những người trong cuộc và sự giúp đỡ, hỗ trợ đến từ các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cả các nhà nghiên cứu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn